Nâu Nâu Viết

I live, love and write

Mình bên nhau có ý nghĩa gì đâu...

f:id:phammyan:20220205133742j:plain

Showa Memorial Park (Tachikawa, Tokyo) (via Instagram @phammyan)

Có ông anh từng bảo với tôi, nếu đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho cái kết thì tất cả mọi chuyện đến sau đó đều sẽ được ta trân trọng đúng cách.

Tôi thấy câu nói trên đúng. Trong hầu hết mọi trường hợp, khi đã tiên liệu sẵn một cái kết thì những chuyện xảy ra kế tiếp dù tốt xấu ra sao cũng không còn đáng sợ nữa. Tốt thì vui không cần phải nói. Xấu thì cũng có thể nào tệ hại hơn cái kết kia hay không.

Trong một vài năm trước, tôi từng cố gắng chạy trốn những cái kết. Bạn có thể tưởng tượng nếu được mời tham dự một buổi lễ tổng kết, tôi sẽ không đến. Nếu phải tiễn ai đấy đi xa, tôi sẽ không tiễn. Và tôi tin rằng đó là cách khiến lòng mình bình an. Nhưng sự thật không phải thế. Cái kết vẫn đến, năm học vẫn kết thúc, người vẫn ra đi. Chỉ tôi không hề có cơ hội nói lời chào. Sau mỗi cuộc chạy trốn, trong tôi lại hằn lên một vết lõm. Tốt thôi, trên đời này ai cũng sẽ có một vài vết lõm và tôi vẫn tiếp tục chạy trốn. Đến lúc các vết lõm chằng chịt chỉ có thể hằn lên nhau chồng chéo, chúng không còn là vết lõm nữa mà từ khi nào đã trở thành một mảng thiếu sót to lớn. Tôi rơi.

Khi từ bỏ mối tình kéo dài hơn một năm của mình, tôi quẩn quanh với những cái kết. Một vài trong số chúng là thật, một số khác chỉ diễn ra trong tâm tưởng. Bóng lưng người khuất dần trong sân bay chen chúc người buổi tối, màn hình thông báo chuyến bay đến lúc khởi hành, tin nhắn trả lời người báo đã đến nơi. Tất cả cái kết ấy bóp tim tôi nghẹn đi đôi lần. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái kết, đúng hơn là chưa bao giờ chuẩn bị tâm lý đủ để đối mặt với chúng.

Có một sự thật rằng thì rồi ai cũng sẽ rời bỏ ta mà đi, ngay cả gia đình. Bố mẹ không thể sống cùng ta mãi mãi. Anh chị em yêu thương nhau đến mấy rồi cũng sẽ sớm có cuộc sống riêng với tất bật vợ chồng con cái, tiền nhà tiền chợ, điện nước ga lỉnh kỉnh... Và dù cho những thứ kể trên không hề hấn gì, thì rồi một trong hai (hoặc nhiều hơn) cũng sẽ có người phải lìa đời trước người còn lại. Buồn thì buồn thật, nhưng chẳng phải không có gì tệ hơn chia ly mà ta trân trọng tất cả mọi phút giây còn kề cạnh? Nếu chia ly là cái giá đắt nhất mà mọi người chúng ta đều phải trả, thì những cái giá còn lại cho lầm lỗi, va vấp, thờ ơ chỉ là muỗi. Có thể bạn không đồng ý vì những cái lặt vặt gộp lại sẽ thành vấn đề, hoặc có lẽ bạn cho rằng ngoài kia còn có cái giá đắt hơn cả chia ly.

Còn điều gì có thể xảy ra giữa những người đã rời bỏ nhau? Và cho dẫu có đi chăng nữa thì liệu đó còn là "vấn đề" nữa không?

Tôi biết một cô gái rất thú vị, một con người mẫu mực. Bởi cô luôn sống với tâm lý "chuẩn bị cho cái chết" có thể đến bất cứ lúc nào. Cô học những môn mình thích, rong ruổi trong thành phố mỗi cuối tuần để tìm quán ngon, ăn kem khi trời lạnh và dùng rượu vang với cheesecake. Cô đọc những quyển best seller có, những quyển không-ai-biết-đến cũng có. Cô làm tất cả những điều bản thân cho là đúng, miễn nó đừng ảnh hưởng đến xung quanh. Cô yêu hết lòng và khóc như bão giông. Và rồi lại hoà vào nhịp sống tuyến tính. Cô nói, vì biết có thể sáng mai không còn thức dậy được nữa, có thể đang đi bộ mà xui xẻo thế nào nhành cây rơi xuống, có thể... và có thể... nên cô luôn trân trọng mọi điều cuộc sống mang lại. Nếu hôm nay cô nhận được một chiếc bánh ngon, tốt thôi, cô sẽ thưởng thức nó trong hân hoan. Còn ngày mai nếu cô nhận được một quả chanh, chẳng thành vấn đề, cô sẽ mang nó đi pha nước chấm. Chỉ cần không phải là dấu chấm hết, mọi thứ sẽ luôn diễn ra suôn sẻ theo cách riêng của chúng.

Vào tháng 1/2016, chồng của nữ danh ca Celine Dion qua đời sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Năm 1999, Rene Angelil được chẩn đoán mắc phải ung thư vòm họng. Trong khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, bà đã tạm quãng công việc để chăm lo cho chồng. Đầu năm 2000, họ trao nhau lời thề nguyện lần nữa sau khi ông vượt qua cơn bạo bệnh. Họ lại cùng sánh vai trên đường đời.  Và rồi điều gì đến cũng đến, chồng bà ra đi. Đọc lại hành trình 35 năm của tình yêu ấy, tôi nghĩ điều quý báu nhất chính là họ đã luôn trân trọng từng phút bên nhau. Tôi tin không ít lần bà đã suy sụp khi nghĩ về căn bệnh "trời gọi ai nấy dạ" của chồng mình và bà đã phải chuẩn bị tâm lý cho cái kết đã định sẵn ấy. Bởi thế mà sau khi ông hồi phục, họ lại hạnh phúc bên nhau trên mọi nẻo đường sự nghiệp lẫn cuộc sống. Lời tạm biệt ý nghĩa nhất bà dành cho chồng chính là những tháng ngày ý nghĩa bên nhau. Chia ly vì thế đỡ nặng nề cho dẫu không thể nào bớt xót xa. Nhưng người ta không ân hận. Và thế là đủ.

Tôi nhớ mình đã viết thế này trong nhật ký, "Em thích đến công viên và đọc một quyển sách trong những ngày không biết anh ở đâu. Em biết anh chạy đi, nhưng chỉ cần hứa với em rồi anh sẽ trở lại. Em sẽ đọc hết quyển sách và trở về nhà. Cũng như anh sẽ kết thúc cuộc "bỏ trốn" như bao lần trước đó. Cho dẫu anh không trở lại, thì những ký ức vẫn sẽ ở lại cùng em."

Buổi tiệc nào rồi cũng phải tàn. Ai rồi cũng sẽ rời bỏ ta mà đi. Chỉ có ký ức còn ở lại. Bởi thế mà Trân trọng chính là bài học đầu tiên mà ta cần phải học trong đời. Yêu một người rất dễ dàng, nhưng để trân trọng từng giây phút họ bên ta, từng cái đáng yêu lẫn đáng ghét của họ và ti tỉ thứ khác mới khó. Người ta có thể hôn nhau say đắm trên phố mà quên mất người thương không thể ăn cay. Người ta có thể chat với nhau cả ngày nhưng có ý nghĩa gì đâu khi những chuyện quan trọng nhất lại không thể san sẻ cùng nhau.

Thời gian bên nhau có ý nghĩa gì đâu nếu không trân trọng từng giây phút có nhau trong đời.